Alice, con mèo và câu chuyện quản trị cuộc đời


Trong tác phẩm nổi tiếng “Cuộc phiêu lưu của Alice vào xứ sở thần tiên” của Lewis Carroll, có một đoạn kể về cô bé Alice khi bị lạc vào xứ sở thần tiên, cô sợ hãi bỏ chạy, chạy mãi cho đến khi gặp một con mèo.

Alice hỏi con mèo: Tớ đi đường nào bây giờ? Con mèo trả lời: Điều đó tùy thuộc vào việc cậu muốn đến đâu chứ? Alice đáp lại: Tớ thật sự chẳng quan tâm lắm về cái nơi mà mình muốn đến. Con mèo: Thế thì cậu cũng không cần quan tâm là nên đi đường nào! Một khi mà cậu đã không quan tâm đến cái nơi mà mình tới thì đi đường nào mà chẳng được!

Quả thật, chẳng phải con mèo chịu thua trong việc chỉ đường cho Alice, mà ngay cả những người thông thái nhất cũng đành lắc đầu khi phải chỉ đường cho một người mà không hề biết rõ đích đến của mình là nơi đâu!

Sự lúng túng của Alice làm ta chợt giật mình: Mình sống để làm gì? Ý nghĩa của cuộc đời mình nằm ở nơi đâu!?

Câu chuyện “Alice và con mèo” nói trên thực chất cũng là một cách tiếp cận gần gũi để chúng ta suy ngẫm về câu chuyện cuộc đời của mỗi con người.

Thật vậy, nhiều khi ta cứ sống ngày qua ngày, năm này qua năm khác như vậy, mà rất ít khi dành chút thời gian để dừng lại và tự hỏi:

Mình là ai? Đời mình sẽ đi đâu về đâu? Rốt cuộc là mình sẽ dùng cuộc đời mình vào việc gì và việc đó có đáng để dùng hay không? Mình muốn có một cuộc đời ra sao? Làm sao để có một cuộc đời như thế? Cuộc đời mình nên được “quản trị” như thế nào?…

ĐẾN CÂU CHUYỆN “QUẢN TRỊ CUỘC ĐỜI”

Từ bao đời nay, khi nói đến quản trị, người ta thường nói đến quản trị quốc gia hay quản trị doanh nghiệp, chứ ít ai nói đến “quản trị cuộc đời” hay “lãnh đạo bản thân”.

Tuy nhiên, ai cũng biết, để một quốc gia thành công thì chắc chắn quốc gia đó phải được quản trị tốt, để một doanh nghiệp thành công thì doanh nghiệp đó phải được quản trị tốt, để một gia đình hạnh phúc thì gia đình đó cũng phải được “quản trị” tốt.

Và để có một cuộc đời thành công cũng vậy, chắc chắn cuộc đời đó cũng phải được “quản trị” tốt.

Đối với quản trị quốc gia và quản trị doanh nghiệp thì chúng ta đã có cả một hệ thống các ngành khoa học liên quan và có một hệ thống lý luận khá đầy đủ. Vậy còn đối với “quản trị cuộc đời” thì có đủ quan trọng và có đủ khó khăn để hình thành một chương trình đào tạo?

Tất nhiên là vô cùng quan trọng và tất nhiên là vô cùng khó khăn. Và đó cũng chính là lý do vì sao chương trình đào tạo quản trị cuộc đời được ra đời, phát triển và có hệ thống lý luận vô cùng phong phú.

Peter Drucker – một triết gia về quản trị (Management Philosopher), người được xem là “cha đẻ” khoa học quản trị hiện đại của thế giới (Father of Modern Management), và cũng là người khởi xướng chuyên ngành “Quản trị cuộc đời” (theo cách gọi của ông là “Managing oneself”) cho rằng: “Chúng ta đang sống trong một thời kỳ của những thay đổi khó lường, bởi vậy nếu bạn có hoài bão, có chiến lược tốt cho cuộc đời của mình, thì bạn sẽ nhanh chóng chinh phục được đỉnh cao sự nghiệp trong cuộc đời bạn. Và sự thật, chính mỗi chúng ta mới là “nhà quản trị” của cuộc đời mình.”

Từ những nghiên cứu của chúng tôi về chuyên đề này, cùng với định hướng giáo dục cơ bản là “Học những gì đặc biệt cần thiết cho cuộc đời, nhưng chưa được dạy hay ít được dạy ở trường”, Trường PACE và Viện IRED đã thiết kế, biên soạn và triển khai chương trình đào tạo “Quản trị cuộc đời”/ “Life Management Program” (LMP).

Trước năm 2006, khái niệm “Quản trị cuộc đời” còn rất xa lạ và hầu như chưa được biết đến tại Việt Nam. Tuy nhiên, kể từ khi Trường PACE khởi xướng và triển khai chương trình “Quản trị cuộc đời” lần đầu tiên vào cuối năm 2007, thì khái niệm “Quản trị cuộc đời” cũng như chương trình “Quản trị cuộc đời” dần được biết đến, quan tâm và nay đã trở nên khá phổ biến ở Việt Nam.

Mục tiêu chính của việc ra đời môn học này là góp phần giúp người học biết cách: (1) khai phóng chính mình; (2) Tìm ra chính mình; (3) Làm ra chính mình; (4) Sống với chính mình; (5) Giữ được chính mình. Từ đó biết cách “cải cách chính mình”, “làm mới chính mình” và đồng thời “tối đa hóa giá trị của mình” (kể cả người chưa thành công và những người đã rất thành công).

Bình luận về bài viết này